Chuyển đổi GPLX chất liệu PET để phù hợp Công ước quốc tế
GPLX bằng vật liệu mới độ bền cao hơn, không thấm nước, kích thước nhỏ gọn hơn và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN |
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, việc chuyển đổi GPLX bìa giấy sang vật liệu mới (PET) là biện pháp nhằm phù hợp về bản chất với các điều khoản trong Công ước Viên mà Việt Nam đã ký tham gia từ năm 2014.
Chuyển đổi GPLX mang lại nhiều lợi ích
Dư luận đang đặt câu hỏi, vì sao Bộ GTVT đưa ra lộ trình đổi GPLX bìa giấy sang vật liệu mới. Theo bà, lộ trình như vậy có cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tế?
Có thể nói, GPLX bằng bìa giấy được các cơ quan có thẩm quyền phát hành và cấp cho người dân sử dụng từ nhiều năm nay. Thế nhưng, quá trình sử dụng đã bộc lộ nhiều bất cập như: Lạc hậu, mức độ bảo mật không cao, dễ bị làm giả. Các thông tin trên GPLX bìa giấy cũng dễ bị tẩy xóa, sửa đổi, hư hỏng trong quá trình sử dụng. Hơn nữa kích thước của GPLX cũ không thuận tiện đối với người sử dụng.
Ngày 20/8/2014, Việt Nam là thành viên của Công ước Viên 1968 về GTĐB. Đây là bước chuyển đổi quan trọng trong quá trình hội nhập về GTĐB của Việt Nam. Theo quy định của Công ước Viên, các bên tham gia phải tiến hành các biện pháp thích hợp, đảm bảo những quy tắc đường bộ hiện hành trong lãnh thổ nước mình phù hợp về bản chất với các điều khoản trong Công ước Viên.
Để tuân thủ các quy định của Công ước cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý, Bộ GTVT đã quy định lộ trình chuyển đổi GPLX cũ sang GPLX bằng vật liệu PET. Đây là lần đầu tiên thẻ nhựa PET, loại nhựa cao cấp (Polyethylene terephthalate) với độ bền cơ học cao, có khả năng chịu đựng lực xé và lực va chạm, chịu đựng sự mài mòn cao được áp dụng cho giải pháp nhận diện bảo mật cấp quốc gia phục vụ quá trình quản lý cấp, đổi GPLX.
Điều bà đang nói là ở khía cạnh thuận tiện trong công tác quản lý. Vậy, đối với người dân thì việc chuyển đổi GPLX sẽ mang lại lợi ích gì?
Việc chuyển đổi sang GPLX mới có rất nhiều thuận tiện cho người dân. Đầu tiên, GPLX bằng vật liệu mới có độ bền cao hơn, không thấm nước, kích thước nhỏ gọn hơn và phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 1/12, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN đã làm việc với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp). Sau cuộc họp, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, hai bên đã bàn bạc, thống nhất sửa đổi một số nội dung liên quan tại Thông tư 58 theo hướng đảm bảo các quy định về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đồng thời đảm bảo được yêu cầu quản lý nhà nước. |
Bên cạnh đó, trên GPLX mới, các thông tin được in bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam có nhu cầu lái xe được cấp GPLX quốc tế khi cư trú, công tác, học tập, du lịch tại những nước tham gia Công ước Viên. Đây cũng là một trong các yếu tố để các quốc gia tham gia Công ước Viên công nhận giá trị hiệu lực của GPLX quốc gia và giấy phép quốc tế do Việt Nam cấp. Hiện nay, GPLX bằng vật liệu PET đang được 85 nước thành viên Công ước Viên công nhận và cho phép sử dụng.
Đặc biệt, khi chuyển đổi sang GPLX mới, các thông tin về người lái xe trong suốt quá trình từ đào tạo, sát hạch, các vi phạm khi hành nghề hoặc khi tham gia giao thông… đều được tích hợp trên cơ sở dữ liệu quản lý GPLX quốc gia, tạo thành một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, đảm bảo việc truy cập, tra cứu nhanh chóng, tiện lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu. Việc chuyển đổi GPLX giấy sang vật liệu mới còn giúp tăng cường và hiện đại hóa công tác quản lý, hạn chế tối đa việc làm giả GPLX, giảm bớt thủ tục, thời gian xác minh, cấp, đổi GPLX cho người dân.
Bà có ý kiến gì khi Bộ Tư pháp cho rằng việc quy định lộ trình và yêu cầu người dân phải sát hạch lại lý thuyết nếu chậm chuyển đổi GPLX theo lộ trình trong Thông tư số 58/2015 của Bộ GTVT là không hợp lý?
Trên thực tế, việc chuyển đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu PET là quá trình tất yếu của xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đảm bảo tính đồng bộ, hiện đại trong quá trình quản lý các hoạt động có liên quan đến việc đào tạo, cấp GPLX. Do đó, việc quy định chuyển đổi GPLX sang vật liệu mới là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đã được Bộ GTVT cấp đổi từ ngày 1/7/2013.
Đặc biệt, việc đổi GPLX đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 để người dân khai báo thông tin trên mạng. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay cả nước đã chuyển đổi xong 95% GPLX ô tô, còn khoảng 300.000 GPLX, đảm bảo xong trong năm 2016 theo lộ trình.
Thực tế, khi xây dựng Thông tư 58, Bộ GTVT đã lấy ý kiến rộng rãi và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, trước khi ban hành và đưa vào thực hiện.
Được biết, Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 58, trong đó đã bỏ quy định người dân phải sát hạch lại lý thuyết nếu chậm chuyển đổi?
Thực hiện chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2016 của Bộ GTVT và Nghị định số 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 58 quy định về đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cơ giới đường bộ với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết. Trong dự thảo Thông tư này, Bộ GTVT đã quy định việc chuyển đối GPLX sang vật liệu mới theo hướng: Đối với GPLX không thời hạn, việc chuyển đổi đổi sang GPLX mới được thực hiện đến ngày 31/12/2020 mà không yêu cầu thi lại lý thuyết. Đối với GPLX có thời hạn, người sử dụng sẽ chuyển đổi sang GPLX mới khi hết thời hạn ghi trên giấy phép.
Cảm ơn bà!
Tiến Mạnh – Tùng Lê (Thực hiện)
http://www.baogiaothong.vn/